Tìm hiểu cúng sao giải hạn, không nên theo cảm tính
Trong thuật dâng sao, mặc định có những sao xấu và sao tốt, nhưng mỗi sao đều có thời điểm thuận lợi hoặc không thuận lợi riêng. Vì vậy, trong một năm không phải sao nào cũng xấu.
Những ngày đầu xuân, các chùa thường tổ chức làm lễ cúng sao giải hạn cho người dân với mong muốn giải được sao xấu chiếu mệnh trong năm.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Văn Vịnh – chuyên gia phong thủy (Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, tục cúng sao giải hạn được bắt nguồn từ đâu và tại sao người dân thường làm lễ tại các ngôi chùa?
TS Nguyễn Văn Vịnh: Nguồn gốc của tục dâng sao giải hạn có từ rất lâu đời và cho đến thời điểm này chúng ta vẫn gán cho Phật giáo nhưng trên thực tế, nó bắt nguồn từ Đạo giáo.
Đạo giáo cũng được hiểu là môt đạo thần tiên, tu tiên, luyện đan, chọn ngày tốt… Nhưng vì phong tục của ta đã bắt rễ sâu trong xã hội Việt Nam cả nghìn năm nay nên hiện nay các nhà chùa vào dịp lễ tết cũng làm lễ dâng sao giải hạn.
Sở dĩ nhà Phật nhận cái thuật này bởi nó đã trở thành tục lệ trong dân gian Việt Nam nhằm mục đích thâm nhập sâu hơn, xã hội hóa, đi vào lòng của xã hội. Còn gốc tích nhà Phật không hề có các sao này.
Theo ông, chúng ta nên hiểu tục dâng sao giải hạn thế nào cho đúng? Và liệu dâng sao có giải được hạn?
Các sao chiếu mệnh gồm: Sao Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu, La Hầu và Kế Đô.
Trong thuật dâng sao, mặc định có những sao xấu và sao tốt, nhưng mỗi sao đều có thời điểm thuận lợi hoặc không thuận lợi riêng. Vì vậy, trong một năm không phải sao nào cũng xấu.
Trong cúng dâng sao, người ta chỉ mặc định rằng năm nữ có cách tính khác nhau, vận hành ngược, vận hành thuận của chu trình. Như vậy, việc ấn định cứ đến năm này là sao này xấu là hoàn toàn không phải, vì bản thân cách quy tuổi của dân gian suy rộng ra đều quy về ngũ hành.
Nói đúng ra, mỗi sao sẽ phụ trách một giai đoạn nhất định trong tháng nên chúng đều được định cho một ngày cúng. Nếu như chúng ta cho rằng việc cúng dâng sao mà có thể giải được hạn thì đó là quan điểm sai lầm. Nhưng vì từ lâu nó đã trở thành một thói quen văn hóa nên thực tế phần nào chỉ giải quyết được một mặt về tâm lí, còn giải quyết triệt để đến đâu thì phải thắng thắn nói rằng: Không giải quyết được gì!
Dòng người ngồi ngoài đường làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh. (Ảnh: Vietnamnet)
Vào tối dâng sao giải hạn được làm tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa), vì quá đông nên rất nhiều người phải đứng ra tận ngoài đường bái vọng vào. Ông nghĩ sao về điều này?
Tùy vào từng ngôi chùa và sự tuyên truyền thông tin mà chúng ta thấy không phải chùa nào cũng làm, có chùa làm lớn, có chùa chỉ làm theo yêu cầu của gia chủ.
Nhiều năm nay tại khu vực quận Đống Đa, tụ đình Phúc Khánh có truyền thống tổ chức rất nhiều ngày cúng tế, dâng sao giải hạn vào tháng Giêng. Theo tôi, điều này dẫn tới sự ách tắc giao thông, những hình thức kinh doanh “chặt chém” khách với giá cao ngất ngưởng, hình thức tuyên truyền không chính thống,….
Nhìn dưới góc độ văn hóa tín ngưỡng, chúng ta có thể chấp nhận như một cách giải tỏa tâm lí nhưng nếu để trở thành các yếu tố hành vi xã hội thì điều đó tương đối bất lợi cho sinh hoạt của mọi người.
Ông nghĩ sao khi hiện nay người dân không tiếc tiền, chi rất mạnh tay vào các lễ dâng sao giải hạn?
Nếu mọi người cho rằng, trong một năm chỉ có một dịp để cúng lễ xua đuổi điều xấu mà chi tiêu một chút tiền bạc cho việc ấy thì nó không thành vấn đề.
Còn nhiều người nghĩ rằng để giải được “sao quả tạ” bằng cách đặt nhiều tiền thì bản thân đó vốn dĩ đã là cách hiểu sai lầm. Chúng ta không nên tin rằng, những nghi lễ cầu cúng quá xa hoa thì mới mong đạt được điều tốt. Bởi bản thân các vị thần tiên nếu có thì cũng phải có sự bình đẳng; thần tiên mà phụ thuộc vào chuyện lễ tốt, nhiều tiền bạc thì tôi chắc chắn là thế giới này loạn mất rồi!.
Dâng sao giải hạn chỉ sử dụng thuật vô cùng đơn giản và nó chưa được dùng hết tính năng. Trong 9 sao đó, không phải sao nào cũng xấu vì vậy, mọi người nên có thái độ thận trọng và đúng mức.
Ông có ý kiến gì khi có một số người hiện nay quá “dựa dẫm” vào thần linh?
Bản thân mỗi cá nhân khi gặp những rắc rối về sức khỏe, tài chính, công việc,…. mà không thể giải quyết được bằng một cách thức nào đó thì cuối cùng họ cũng tìm đến thế giới siêu nhiên để hi vọng với sự tâm thành của mình, cùng sự trợ giúp của những người thông thạo điều thiêng sẽ giải tỏa điều không may.
Đây cũng chỉ là một quyết định mang tính tâm lí, thực tế không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Trong xã hội, khi mà con người và những hiện tượng xã hội trở nên quá phức tạp, con người mất lòng tin vào chính con người với nhau thì họ phải nhờ tới các thế lực siêu nhiên.
Và bản thân tôn giáo là tính thiện, con người cũng có niềm tin vào tính thiện, niềm tin tôn giáo nhưng nếu đi quá đà thì câu chuyện đó sẽ khác. Ở đây, tôi không đặt vấn đề phê phán vì đó là một nét văn hóa, tuy khó sửa nhưng nên có những thái độ điều chỉnh vừa phải vì nghi lễ chỉ mang tính tượng trưng, biểu trưng chứ không phải là một biện pháp cụ thể.
Thưa ông, hiện nay có nhiều người dân dâng lễ vật xa hoa hoặc chi rất nhiều tiền cho việc “dâng sao giải hạn”, vậy thì ở góc độ của một nhà nghiên cứu phong thủy, ông có thể cho lời khuyên nào, vừa giải tỏa được tâm lý có sao xấu chiếu mệnh và tránh lãng phí?
Một cách đơn giản để đạt được những điều mình mong mỏi chính là không nên tổ chức những buổi cúng tế quá lớn, quá xa hoa. Thường trong một nghi lễ, tối thiểu cũng chỉ là một ít gạo muối, một vài hoa quả, hương hoa, nước. Mỗi người tế cũng hoàn toàn có thể tự cúng cho mình và tốt nhất là cúng ngoài trời.
Nhìn chung, việc này cũng đơn giản và không mất nhiều thời gian. Nếu mọi người muốn thì cũng nên tìm hiểu kĩ những nghi thức đó.
Mùa xuân, người Việt hay đi lễ chùa bởi cái nhịp điệu nông nghiệp vẫn còn tiếp diễn. Nhưng “áp lực” tâm lý vẫn còn rất nặng nề, len lỏi vào các thành phố lớn rồi các cơ quan công sở. Cái này không phải một chốc một lát là thay đổi được mà cần phải có thời gian.
Những yếu tố mang tính tín ngưỡng, có tính chất không quá phổ biến thì chúng ta nên có thái độ điều chỉnh, cũng không nên quá tin và đưa nó trở thành vấn đề gì quá lớn.
Leave a Reply